Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Phải tích hợp kiến thức y khoa vào ngành chăm sóc da và spa

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Bộ Tiêu chuẩn cho nghề chăm sóc da và spa của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Với tất cả tâm huyết và tri thức, kinh nghiệm, bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc về quá trình chuẩn hóa ngành chăm sóc da và spa tại Việt Nam.

VNBA
Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh

Khoa học hóa nghề chăm sóc da và spa

PV: Bác sĩ đánh giá như thế nào về các xu hướng phát triển của ngành chăm sóc da và spa ở Việt Nam trong những năm qua?

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhằm thoả mãn mưu cầu về hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của mỗi người. Đó là nhu cầu không giới hạn và xuyên thời gian, không phân biệt giới chức hay ngành nghề làm việc. Tại Việt Nam, khi mà thu nhập tăng lên thì nhu cầu chăm sóc, làm đẹp càng tăng mạnh.

Xu hướng chủ đạo là hướng đến làm đẹp an toàn, hiệu quả, nhanh và tiện dụng, mang đến vẻ đẹp tự nhiên, thân thiện và ưa nhìn, hơn nữa dịch vụ làm đẹp ngày càng được cá nhân hoá và chuyên nghiệp. Kỷ nguyên số cũng đã giúp nhu cầu về chất lượng sản phẩm và dịch vụ làm đẹp tăng mạnh. Nhiều người đã dành những khoản chi lớn hơn cho nhu cầu cá nhân, nhất là về làm đẹp. “Đẹp hơn để hạnh phúc và thành công hơn” đã là câu châm ngôn phổ biến trong đời sống hiện nay.

Với làn sóng tăng trưởng mạnh về nhu cầu làm đẹp, ngành chăm sóc sắc đẹp nói chung, chăm sóc da và spa nói riêng đang tăng trưởng, bùng nổ về số lượng. Đây là phân khúc phát triển nóng hiện nay tại thị trường làm đẹp Việt Nam.

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự phát triển “nóng” của ngành chăm sóc da và spa?

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Chúng ta có thể thấy, từ các thành phố lớn đến tỉnh lẻ, từ trung tâm ra đến vùng ven đều mọc lên rất nhiều các trung tâm, cửa tiệm làm đẹp. Tuy nhiên, hoạt động nghề làm đẹp đang phát triển ở mức “hạn chế về nhân lực có trình độ thật sự, thiếu kiến thức khoa học về những nền tảng quy trình”. Nguyên nhân do họ thiếu được đào tạo, thiếu trường lớp đào tạo chính thống theo chương trình chính quy. Người làm nghề chỉ học nghề từ công việc làm thợ; Học nghề qua tích lũy kinh nghiệm nhưng thiếu khả năng lý luận khoa học để có chuyên môn vững và tự tin xử lý an toàn các hệ quả không mong muốn xảy ra trong hoạt động nghề chuyên biệt.

Tôi có quan điểm rõ rằng, làm đẹp là ngành kinh doanh có điều kiện vì liên quan đến sức khoẻ con người. Đó là lý do thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn nghề nghiệp hoặc những tai biến do không có chuyên môn, sử dụng sản phẩm độc hại và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Trong tương lai, chúng ta phải “khoa học hóa nghề chăm sóc da và spa” để thật sự khẳng định đó là ngành nghề đóng góp giá trị lớn cho xã hội, mang lại sức khỏe, sắc đẹp và hạnh phúc cho con người. Đây là nghề được xã hội trân trọng, đánh giá cao và nên được vinh danh.

Do đó, ngành này rất cần những người dẫn đường có tâm, có tầm, có trình độ khoa học kỹ thuật để đưa đội ngũ người làm nghề lên tầm cao, có thể ứng dụng và cập nhật khoa học, kiến thức y khoa, hội nhập thế giới. Đây cũng chính là vai trò của Hội Đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA) trong giai đoạn này.

VNBA
BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh và khoá đào tạo về da cho các hội viên của VNBA

Người làm nghề chăm sóc da phải được đào tạo như một bác sĩ

PV: Hiện rất nhiều người làm nghề chăm sóc da và spa đang hiểu về nghề này với những khái niệm cơ bản nhất, thiếu sự chuyên nghiệp và chuyên sâu. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Trong bối cảnh ngành làm đẹp phát triển bùng nổ nhưng thiếu sự dẫn dắt chính thống từ các cấp quản lý đến chuyên môn; Việc nhập khẩu sản phẩm và công nghệ ngành làm đẹp tự phát; Thiếu sự chọn lọc để định hướng phát triển đúng, không có kế hoạch vĩ mô về phát triển đào tạo nhân lực ngành làm đẹp… đã làm ngành nghề này có phần rối loạn, mạnh ai nấy làm.

Điều này cũng khiến thị trường ngành chăm sóc da và spa hiện nay bị phân hoá thành 3 cấp độ. Đó là lực lượng làm nghề không có kiến thức căn bản. Số này chiếm đa số, hoạt động tự phát. Những nhân lực này hiểu về nghề rất sơ sài thông qua truyền miệng, truyền tay. Các sản phẩm sử dụng không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí tự pha chế. Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiều vụ tai nạn cho người dùng.

Một vấn đề nữa đó là, người làm nghề chăm sóc da và spa có kiến thức chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 1/4 nhân lực làm nghề này. Số nhân lực này hiểu về hoạt động chuyên môn nghề căn bản, chưa đủ để có thể chịu trách nhiệm về việc chăm sóc và trị liệu cho một làn da khỏe đẹp thật sự và đầy đủ theo khoa học.

Cuối cùng, đó là đội ngũ làm nghề có kiến thức chuyên sâu với nền tảng y khoa thẩm mỹ, thường là các trung tâm thẩm mỹ lớn hay bệnh viện thẩm mỹ có bác sĩ đứng đầu hoặc cộng tác. Đây là nhóm làm nghề trình độ cao và thật sự là nhóm ưu thế để có thể dẫn đường phát triển chính quy cho ngành làm đẹp nói chung và chăm sóc da và spa nói riêng tại Việt Nam. Số nhân lực này rất ít và tập trung tại các thành phố lớn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong ngành làm đẹp.

Đứng trước tình hình này, tôi nghĩ VNBA cần có lộ trình tập trung đúng đắn nhằm mở ra hướng phát triển đào tạo nghề làm đẹp nói chung, nghề chăm sóc da và spa nói riêng; Áp dung vững chắc trên cơ sở khoa học, hướng tới kiến tạo một đội ngũ người làm nghề có kiến thức chuyên sâu, có tâm đức.

VNBA
BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh và khoá đào tạo về da cho các hội viên của VNBA

PV: Theo bà, việc tích hợp kiến thức y khoa vào ngành chăm sóc da và spa cần được diễn ra như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh: Thẩm mỹ y khoa là một ngành khoa học mới, đưa lý luận y học vào nền tảng chuyên môn của các quy trình làm đẹp chuyên nghiệp để có thể áp dụng các biện pháp thẩm mỹ hiệu quả, xử lý các vấn đề da và làm đẹp. Đó là nền tảng của một chân lý: Da khỏe là da đẹp, da muốn đẹp phải khoẻ.

Thực tế là ngành chăm sóc da thế giới đã và đang có nhiều bước tiến trên cơ sở khoa học y khoa tiên tiến nên được gọi là ngành công nghệ thẩm mỹ y khoa, phát triển dựa trên những nghiên cứu y học và ứng dụng y học thực nghiệm.

Qua những ứng dụng y học đã được áp dụng trong trị bệnh, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều kết quả tác dụng làm đẹp nên ứng dụng sang lĩnh vực thẩm mỹ và nghiên cứu ứng dụng sâu trong ngành… Điều này đã mở ra một thời kỳ vàng son cho ngành làm đẹp trên toàn thế giới từ thập niên đầu thế kỷ XXI.

Đây chính là một xu thế tất yếu cho ngành da và spa Việt Nam. Việc đưa kiến thức y học vào ngành này để tạo nền tảng lý luận khoa học cần thiết cho hoạt động chuyên môn và hoạt động chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người. Từ những thực tế ứng dụng đó, chúng ta cần tích hợp vào các chương trình đào tạo nghề chuyên sâu.

Việc đào tạo chuyên viên thẩm mỹ da và spa cần đến các lý luận khoa học căn cứ trên cấu trúc, sinh lý và bệnh của da. Nói cách khác, để người làm nghề có kiến thức về da như một “bác sĩ” thì họ cần được đào tạo theo quy chuẩn theo hướng giống như đào tạo bác sĩ. Đó là kiến thức về sức khỏe, an toàn lây nhiễm, vệ sinh an toàn chống bệnh truyền nhiễm nhất là trong thời kỳ dịch bệnh như thời đại này.

Có như vậy chúng ta mới thật sự kiến tạo từ gốc đến ngọn nghề chăm sóc da và spa thật sự tốt đẹp, hiệu quả, đẳng cấp và ngang tầm với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.

Theo Tuổi trẻ thủ đô